Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2008

PICASSO, MỘT ĐỜI DỮ DỘI


Picasso, một đời dữ dội


Rất dễ nhận thấy sự có mặt của các họa sĩ từ Greco cho đến Velazquez, Ingres cho đến Pousin hay cả Cranach và Grünewald trong nhiều tác phẩm của Picasso. Ông tự coi mình là người thừa kế của những danh họa đi trước này. Ông viết: “Họa sĩ luôn kế thừa một người nào đó. Họ không sáng tạo từ hư vô.” Câu nói này là ý tưởng cho cuộc triển lãm đặc biệt về sự hội ngộ giữa Picasso và những họa sĩ đi trước mang tên “Picasso và các bậc thầy”.
Picasso đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Ông sáng tác bằng chính những ảo ảnh của mình và làm việc say mê cho đến khi qua đời ở tuổi 91. Cuộc đời kéodài gần một thế kỷ này đã để lại bộ sưu tập đồ sộ với khoảng 60.000 tác phẩm.
Ngoài vẽ tranh, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh khắc, đồ gốm, tranh giấy dán, quần áo và trang trí nhà hát. Picasso là nhà cách mạng nghệ thuật thế kỷ 20 và là một trong những người sáng lập trường phái lập thể. Ông cũng không ngừng đổi mới khi theo đuổi trường phái siêu thực và nguyên thủy.
Không chỉ là thiên tài của thế kỷ, Picasso đã đi vào Lịch sử. Ông đã thể hiện tính hiện đại nhưng vẫn không ngừng tiếp nối truyền thống. Picasso đã theo học tại các viện nghệ thuật hàn lâm, nơi ông khi bắt đầu tiếp xúc với hội họa, trước khi đến Pháp vào đầu những năm 1900.
ABC về Picasso.
* A như Ấu nhi
Pablo Picasso sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881 tại Malaga, Tây Ban Nha. Ông là con cả của Don José Ruiz và Maria Picasso Lopez. Sau ông còn có hai em gái Lola và Conchita. Tên đầy đủ của Picasso là Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno Crispin Crispiniano de la Santisima Trinidad Ruiz Blasco Picasso y Lopez.
* B như Biểu tượng
Hai bức tranh nổi tiếng nhất của Picasso đã trở thành biểu tượng. Đó là “Những cô nàng ở Avignon” và “Guernica”. Khi ông trưng ra bức “Những cô nàng ở Avignon” vào năm 1907 trong xưởng vẽ Bateau-Lavoir, mọi người đều cảm thấy kinh hoàng. Những người bạn của ông như Apollinaire, Braque, Matisse không thể hiểu nổi việc ông quay trở lại với xu hướng nguyên thủy. Năm 1924, Jacques Doucet, một nhà thiết kế thời trang đã mua tác phẩm này.
Sau khi Doucet mất, nó được bán cho phòng tranh Seligmann ở New York. Cùng năm đó, bảo tàng MoMA đã mua lại bức tranh này. Đây là lúc “Những cô nàng Avignon” bắt đầu được trưng bày trước công chúng và được coi như “bức tranh đầu tiên của nghệ thuật hiện đại”.
Một biểu tượng khác là bức Guernica cũng ra đời vào thời kỳ này. Vụ máy bay Đức, đồng minh của những người theo chế độ Franco, ném bom vào ngôi làng nhỏ ở xứ Basque đã truyền cảm hứng cho Picasso vẽ bức tranh bi thảm này. Tác phẩm được giới thiệu lần đầu trong khu vực Tây Ban Nha tại Triển lãm quốc tế và người xem thời đó cũng chưa hiểu nó muốn nói gì.
Guernica dừng chân ở New York năm 1939. Theo ý muốn của Picasso, nó được lưu giữ tại bảo tàng MoMA. Tác phẩm này quay lại bảo tàng Padro năm 1981 và sau đó được chuyển đến bảo tàng quốc gia Reina Sofia năm 1992.
* D như Danh tiếng
Năm 1939, bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA ở New York đã tổ chức buổi triển lãm lớn đầu tiên để vinh danh Picasso. Từ đấy, ông được nước Mỹ ca ngợi như nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tên tuổi ông thực sự được cả thế giới biết đến từ những năm 1950. Sau đó, các cuộc triển lãm tranh Picasso liên tiếp diễn ra tại London hoặc Milan.
Những cô nàng ở AvignonNhưng nước Pháp vẫn thờ ơ với Picasso, dù một cuộc triển lãm tranh của ông đã được tổ chức vào năm 1955 tại bảo tàng Nghệ thuật trang trí Paris. Khi André Malraux trở thành bộ trưởng Văn hóa, ông đã sửa chữa sự chậm trễ này bằng việc tổ chức một triển lãm hoành tráng để kỷ niệm sinh nhật 85 tuổi của Picasso vào năm 1966.
Năm 1971, khi danh họa đã ở tuổi 90, Nhà nước Pháp muốn vinh danh ông. Tổng thống Pháp Georges Pompidou đã cho đặt 8 bức tranh của Picasso trong Phòng Tranh Lớn ở bảo tàng Louvre. Đây là lần đầu tiên tranh của một họa sĩ còn sống được treo trong bảo tàng này.
Năm 1973, sáu tuần sau khi ông mất, một cuộc triển lãm trưng bày những sáng tác cuối cùng Picasso đã bị chỉ trích rất nặng nề. Chỉ đến năm 1985, việc khánh thành bảo tàng Picasso mới giúp người Pháp hiểu rõ hơn về các tác phẩm của ông.
* Đ như đàn bà
Những người phụ nữ, từ nữ thần cho đến nữ tu, đều ám ảnh tác phẩm của Picasso. Là tấm gương phản chiếu cảm xúc và niềm đam mê của ông, họ ảnh hưởng đến các sáng tác của người họa sĩ. Đó cũng chính là lý do dẫn đến những thay đổi về màu sắc và phong cách của Picasso qua các thời kỳ. Thời kỳ Xanh, với những bức tranh đầu tiên được vẽ chủ yếu bằng màu xanh, phản ánh sự khốn cùng và vỡ mộng. Khi gặp Madeleine - một người mẫu hoạt bát - vào năm 1904 ở Lapin, và sau đó là Fernande, người tình của ông ở Bateau-Lavoir, Picasso chuyển sang Thời kỳ Hồng.
Năm 1918, ông cưới Olga, một diễn viên balê người Nga có khuôn mặt đức mẹ. Trong thời gian này, ông đã thôi vẽ những khuôn mặt nhỏ mang tính hình học của trường phái lập thể và chuyển sang trường phái hàn lâm cho phù hợp với người vợ ông yêu quý.
Cô gái trẻ trung và dịu dàng Marie-Thérèse đã đánh thức các giác quan và năng lực sáng tạo của người họa sĩ. Trong những năm 1930, Marie-Thérèse là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm khêu gợi đẹp nhất của ông với những đường cong quyến rũ.
Nhưng chính Dora Maar, một nữ trí thức, mới là người được ông đưa vào bức Guernica thể hiện thảm kịch ở Guernica và nỗi đau chiến tranh với những đường nét quằn quại.
Rồi Françoise bước vào cuộc đời ông năm 1954. Người phụ nữ có dáng vóc thon thả và mái tóc đen huyền này là biểu tượng của hạnh phúc ông vừa tìm lại được.
Năm 1961, ở tuổi 80, Picasso đã cưới Jacqueline, người cố vấn trong suốt 20 năm cuối đời của ông. Bà gợi lại cho ông hình ảnh những cung phi trong tranh của Delacroix. Sợ hãi cái chết và bị sự bất lực tình dục ám ảnh, ông lao vào làm việc không biết mệt mỏi.
Người ta đã thống kê được hơn 200 bức chân dung Jacqueline do Picasso vẽ.* C như Chính trịViệc Franco lên nắm quyền ở Tây Ban Nha đã khơi dậy ý thức chính trị trong Picasso. Khi cuộc nội chiến bùng nổ năm 1936, ông đã ủng hộ những người cộng hòa và góp tiền giúp họ. Chính phủ cộng hòa đã bổ nhiệm ông làm giám đốc danh dự của bảo tàng Padro (Madrid).
* G như Guernica
Khi Otto Abetz, đại sứ Đức quốc xã tại Paris, chỉ tay vào tấm ảnh chụp bức tranh Guernica rồi hỏi Picasso: “Ông đã vẽ nó phải không?” Người họa sĩ đã trả lời: “Không. Chính là các ông đấy.”
* H như hậu duệ
Picasso chưa bao giờ đứng đầu một trường phái nào. Nhưng tranh của ông đã cuốn hút những họa sĩ Mỹ theo xu hướng “Hội họa hành động” (action painting), một phong trào ra đời những năm 1950. Việc sử dụng khổ tranh lớn, những màu sắc đối lập, những sự phá cách hình thể đã gây ấn tượng với Franz Kline, Mark Rothko, Willem De Kooning, Robert Motherwell và Jackson Pollock. Họ có thể ngắm những bức tranh của Picasso tại MoMA (New York), nhất là bức Guernica.
GuernicaTác phẩm này đã được trưng bày ở đây từ năm 1939 đến năm 1981, nhưng sau đó nó đã được trả về Madrid.
Pollock đã thực hiện hàng trăm tác phẩm biến tấu tự do từ Guernica và chúng trông còn còn ác mộng hơn cả bức tranh này nữa.
Họa hội lại được ưa chuộng trong những năm 1980, kéo theo sự trở lại của Picasso và rồi đỉnh cao của danh họa Tây Ban Nha này.
* K như Kỷ lục
Giá cả các tác phẩm của Picasso tăng lên ở mức chóng mặt. Năm 2004, “Chàng trai ngậm tẩu”(1904), một bức tranh bậc thầy trong Thời kỳ Hồng, đã được bán với giá kỷ lục: 93 triệu USD. Năm 2006, Bức “Nàng Dora Maar với chú mèo” (1941) cũng được bán với giá rất cao: 85 triệu đôla.
Năm 2007, trong một cuộc đấu giá tranh, bức “Người phụ nữ khom mình trong trang phục Thổ Nhĩ Kỳ” (vẽ Jacqueline năm 1955) đã được trả 27,5 triệu đôla. Theo sau đó là bức “Đầu người phụ nữ” (vẽ Dora Maar) có giá 26 triệu đôla.
Năm 2007, tổng số tiền thu được từ những tác phẩm của Picasso đã lên đến 319 triệu đôla. Nhưng cũng năm đó, lần đầu tiên trong 10 năm, Picasso đã bị Warhol vượt qua. Ngân hàng dữ liệu về các tác phẩm nghệ thuật Artprice phân tích: “Vị trí thứ hai này chẳng phản ánh được điều gì cả. Doanh số bán tranh của Picasso thấp hơn là do sự khan hiếm các tác phẩm mang tính huyền thoại của ông.”
* L như Lưu giữ
Khi qua đời vào năm 1973, Picasso đã để lại 1.800 bức tranh, 1.300 tác phẩm điêu khắc, 7.000 bức vẽ và 700 tác phẩm gốm. Vào thời điểm đó, khối tài sản này có giá trị được ước tính lên đến hơn 1 tỷ franc (tức 150 triệu Euro). Luật Malraux ra đời năm 1986 cho phép người thừa kế trả tiền thuế bằng cách tặng các tác phẩm cho Nhà nước Pháp. Nhờ vào thủ tục cho tặng này, một bảo tàng đã ra đời. Bảo tàng này được đặt tại khách sạn Salé (quận Marais, Paris) và mở cửa vào năm 1985.
Đây là dịp để nước Pháp sửa chữa sự chậm trễ của mình. Vì vào thời điểm được tặng, Pháp chỉ sở hữu khoảng một chục tác phẩm của Picasso trong các bộ sưu tập quốc gia. Sau khi Pháp đã mua lại và được tặng thêm các tác phẩm khác vào năm 1990, con số này lên đến 5.000 tác phẩm gốc, 200.000 bức ảnh, bản chép tay và bản in. Hiện nay, đây là bộ sưu tập quốc gia lớn nhất thế giới.
* N như Nhãn hiệu
Picasso quá nổi tiếng. Không có gì ngạc nhiên khi từ Mỹ cho đến Trung Quốc, mọi người đều muốn dán nhãn “Picasso” lên đủ loại đồ vật như kính nhà vệ sinh, màn phòng tắm, giấy vệ sinh, dép tông, máy cày đẩy tay và cả … kem.
Để hạn chế việc sử dụng lung tung các tác phẩm của họa sĩ bậc thầy, năm người thừa kế trực tiếp của ông, đứng đầu là Claude Picasso, đã thành lập tổ chức quản trị Picasso Administration vào năm 1995. Nhưng Christine Pinault mới là người đứng đầu tổ chức này. Mỗi năm, bà phải xem xét hơn 2.000 yêu cầu xin được khai thác nhãn hiệu “Picasso”. Hai phần ba trong số đó là từ nước ngoài. Pinault cho biết: “Phần lớn là những yêu cầu xin sử dụng các tác phẩm của Picasso cho các catalô triển lãm, sách, tạp chí hoặc bưu thiếp. Một số khác là để in lên áo hoặc bộ chén đĩa uống cà phê.”
Những điều kiện không thể thiếu để được phép sử dụng tác phẩm của Picasso là phải sử dụng toàn bộ và giữ nguyên vẹn tác phẩm. Khoảng 15% lời yêu cầu bị từ chối.
* Q như Quan hệ
Picasso đã kết bạn với những người vĩ đại nhất thế kỷ. Braque là bạn chí cốt của ông, đã cùng ông sáng lập ra trường phái lập thể từ năm 1907. Matisse, họa sĩ đi trước, là đối thủ đáng kính ông vẫn thường so sánh trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình. Rất nhiều nhà thơ như Apollinaire, Cocteau, Eluard, Breton, Aragon đã viết lời đề tặng cho Picasso trong các tác phẩm của họ và dấn thân cùng ông.
Năm 1955, Henri-Georges Clouzot đã thực hiện bộ phim Picasso bí ẩn tại trường quay Victorine (Nice). Bộ phim nói về lao động của Picasso, cho thấy tài năng của danh họa. Nó giành được giải đặc biệt của hội đồng giám khảo tại Liên hoan phim Cannes năm 1956. Đây là chuyện chưa từng có đối với những bộ phim làm về một nghệ sĩ vẫn đang sáng tác.
* V như Vauvenargues
Picasso qua đời ngày 8 tháng tư năm 1973 tại Mougins (Alpes-Maritimes, Pháp). Ông được chôn cất trong công viên lâu đài Vauvenargues (Bouches-du-Rhône).
Thụy Anh (theo L’Express)

HẬU HIỆN ĐẠI LÀ HẬU HIỆN ĐẠI LÀ....(*)

Inrasara

Hậu hiện đại là hậu hiện đại là hậu hiện đại là...Khi còn cả tin lí tính là phương tiện duy nhất chiếm lĩnh Sự Thật tuyệt đối, còn mê tín lí trí có thể giải quyết mọi chuyện trên đời, là ta chưa hậu hiện đại. Khi còn nuôi bao nhiêu là nỗi duy: duy tâm với duy vật, duy linh hay duy lí, duy cảm, duy danh, duy mĩ,… là ta còn xa lạ với hậu hiện đại.Khi còn mang tâm phân biệt ngoại vi với trung tâm, dân tộc thiểu số với đa số, da trắng hay da màu, nam và nữ, trung ương và địa phương, chính thống với phi chính thống, là ta còn nằm ngoài tầm với hậu hiện đại. Khi còn mắc kẹt lại giữa cõi bờ nhị nguyên là ta chưa hậu hiện đại. Khi mãi đuổi theo lí tưởng định sẵn, làm đồ đệ thuần thành của chủ nghĩa độc tôn văn hóa hay độc tôn chính trị như là thứ đền thiêng bất khả xâm phạm, là ta không cơ hội đối mặt hậu hiện đại. Khi còn ôm chân Chân Lí tuyệt đối, Cái Đẹp vĩnh cửu, là ta còn cư trú bên này chân trời hậu hiện đại.Khi còn thiết lập cơ man bàn thờ, từ đó phản bác hay manh tâm đàn áp, triệt tiêu kẻ không bàn thờ, không nhận bàn thờ đó hoặc kẻ có bàn thờ khác, là ta tự dựng tường thành cách ngăn hậu hiện đại. Cho dù bàn thờ đó có choàng tấm áo bào truyền thống và bản sắc, học thuyết hay chủ nghĩa, tôn giáo với dân tộc tổ quốc, tự do công bằng bác ái cùng vô số thần tượng các loại, tất tần tật. Là ta đánh mất hết con đường nhập lưu hậu hiện đại.“Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.”(Anguttara Nikaya)[*] Khi còn nhân danh là ta còn chưa hậu hiện đại.Khi còn tôn sùng nền triết học vào đó, học thuyết kinh tế - chính trị nào đó, đức tin tôn giáo nào đó, dân tộc thượng đẳng nào đó có thể dẫn đạo thế giới thoát khỏi nỗi hỗn mang, là ta còn chưa sẵn sàng cho hậu hiện đại.Khi ta yêu cả nhân loại nhưng không thể sống hòa hợp nổi với kẻ láng giềng ta, còn lo lắng chuyện đại sự thế giới mà thiếu quan tâm đến sinh hoạt nhỏ bé thường nhật ta, là ta còn xa cách cả vực thẳm với hậu hiện đại. Khi chưa buông xả, là ta chưa hậu hiện đại.Khi còn ngây ngô tin vào ngôn ngữ có thể giải thích bản chất sự vật như vai trò kẻ môi giới chiếm hữu chân lí, là ta còn chưa hậu hiện đại. Khi còn rắp tâm phân biệt đối xử ngôn từ cao hay thấp cấp, sạch hay dơ, đẹp và xấu, thô tục hay thanh cao, văn chương với không văn chương, là ta còn chưa nhuần cảm thức hậu hiện đại. Cả tâm phân biệt truyền thống và hiện đại, mới và cũ, dân tộc và thế giới, văn chương bình dân với văn chương bác học, là ta còn chưa tiếp cận hậu hiện đại.Khi còn núp bóng, dựa hơi Nguyễn Du, Tolstoi, Goethe với vô vàn vĩ nhân văn chương khác như là thứ chuẩn không thể phá, là ta còn chưa đáo bỉ ngạn hậu hiện đại.Khi còn ảo tưởng độc sáng, là ta còn mon men ngoại ô hậu hiện đại.Khi còn dựng rào các thể loại văn học không cho chúng xâm nhập hay tan hòa vào nhau, cản trở chúng vô ngại thong dong qua lại hỗ trợ bồi đắp nhau, là ta còn vời xa lối viết hậu hiện đại. Khi ta quyết phân thời gian làm ba lô rõ ràng rành mạch quá khứ hiện tại tương lai, là ta chưa vào làng hậu hiện đại.Khi đã nhập lưu hậu hiện đại mà chỉ biết hậu hiện đại, ngoài ra không gì cả, là ta còn chưa thật sự LÀ hậu hiện đại.

Lời của Phật Thích Ca trong Aṅguttara-nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh). Đây là bộ thứ tư trong kinh tạng Sutta-piṭāka viết bằng tiếng Pali. Kinh tạng Sutta-piṭāka gồm có: Dīgha-nikāya (Trường Bộ Kinh), Majjhima-nikāya (Trung Bộ Kinh), Saṃyutta-nikāya (Tương Ưng Bộ Kinh), Aṅguttara-nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), và Khuddaka-nikāya (Tiểu Bộ Kinh). [Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn]

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2008

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

VỀ NGHỆ THUẬT VÀ SỰ CẢM THỤ CỦA CÔNG CHÚNG




picasso


Phải đánh thức người ta dậy. Phải đập nát cái cách họ định tính mọi sự. Phải sáng tạo những hình ảnh họ không chấp nhận.
Trích từ André Malraux, LA TÊTE D’OBSIDIENNE (Paris: Gallimard, 1974).


* Mỗi bức tranh, mỗi tiết tấu, mỗi màu sắc là một cuộc chiến đấu.Một cuộc chiến đấu chống lại chính mình, chống lại hội hoạ.
Trích từ Claude Thibault, PICASSO – GAUGUIN: CITATIONS ET MAXIMES SUR L’ART, L’OEUVRE, L’ARTISTE(Paris: Éditions Résidence, 1999).


* Tại sao ông vẽ theo một cách mà sự diễn tả của ông quá khó cho công chúng hiểu?Tôi vẽ cách này vì nó là kết quả của những ý tưởng của tôi. Tôi đã làm việc nhiều năm để đạt đến đó, và nếu tôi bước lùi một bước, thì điều đó chắc hẳn sẽ là một sự xúc phạm đến công chúng vì đó là kết quả của sự phản tỉnh của tôi. Tôi không thể dùng một phương pháp thông thường chỉ vì muốn hưởng sự thoả mãn khi được người ta hiểu.


Trích từ bài phỏng vấn của Jérôme Slecker, "Picasso explains", trong NEW MASSES (New York, 13 March 1945). In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập(Paris: Gallimard, 1998).


* Công chúng không phải lúc nào cũng hiểu nghệ thuật hiện đại. Đó là một điều có thật, nhưng đó là vì họ chưa từng được học bất kỳ thứ gì về hội hoạ. Họ được học đọc và viết, vẽ nét và hát ca, nhưng làm thế nào để xem một bức tranh thì họ chưa từng lưu tâm đến. Chắc hẳn là có một thứ thi ca của màu sắc, một đời sống của đường nét hay tiết tấu — những vần điệu bằng vật liệu tạo hình — nhưng điều này đã hoàn toàn không được lưu tâm đến.


Trích từ Anatole Jakovski, "Midis avec Picasso", trong ARTS DE FRANCE (Paris, Juin 1946).In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập(Paris: Gallimard, 1998).


* Ai cũng muốn hiểu hội hoạ.Tại sao không cố gắng hiểu những bài ca của một con chim? Tại sao người ta yêu đêm tối, những chiếc hoa, mọi thứ chung quanh họ, mà không cố gắng hiểu chúng?Nhưng trong trường hợp của hội hoạ thì người ta lại phải hiểu.


Trích từ Christian Zervos, "Conversation avec Picasso", CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935) 178.


* Tôi cảm thấy kinh khủng trước những người nói về cái đẹp. Cái đẹp là cái gì? Người ta phải nói về những vấn đề trong hội hoạ! Những bức tranh chỉ là sự nghiên cứu và thí nghiệm.


Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956).


Sự thành công thì nguy hiểm. Người ta bắt đầu sao chép chính mình, và sao chép chính mình thì nguy hiểm hơn sao chép những kẻ khác. Điều này dẫn đến sự triệt sản.


Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956).

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: HỌA SĨ CẦN QUÊN MÌNH…


Nghệ sĩ là những người kế thừa tinh thần hiệp sĩ, những người khai phá của thời đại trước hết về mặt tư tưởng - nghệ thuật. Mặc dầu những điều kiện tối thiểu của sáng tác nghệ thuật là nghệ sĩ phải độc lập về kinh tế cũng như tư tưởng, không phụ thuộc vào bất cứ định chế hay xu hướng thời thượng nào (được nhấn mạnh như bản lĩnh “lội ngược dòng”), thì có lẽ điều kiện tiếp theo phải là sự quên mình, dấn thân không ngừng trong cả quá trình sáng tạo để trở thành người khai sáng của một cộng đồng, của thời đại.