Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2008

GIÓ TUY HÒA


Gió Tuy Hòa cồn cào con sóng
Vỗ vào nhau đến bạc mái đầu
Dẫu đi xa đừng quên mùa gió cũ
Hãy lắng lòng trong những đêm thâu.

Nhớ con thuyền chẻ sóng ra khơi
Lắc lư như say rượu
Thả ước mơ lên từng con sóng
Vững niềm tin về phía chân trời.

Gió Tuy Hòa mát lòng người thôn nữ
Nón che nghiêng thấp thoáng trên đồng
Giọt mồ hôi thấm từng bông lúa
Cho trẻ thơ chân sáo đến trường.

Gió Tuy Hòa ngan ngát mùi hương
Phố Hùng Vương thênh thang thời mở cửa
Vũng Rô xanh tàu thuyền tấp nập
Mang biển khơi đến với cao nguyên.

Gió Tuy Hòa đem lại sự bình yên
Chia sớt cho nhau trên từng ngã rẽ
Cùng vươn lên như cơ thể trẻ
Nghe mặn nồng thấm đẫm bờ môi.
TRẦN CAO TRÍ

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

NHỮNG KHUÔN MẶT RIÊNG




Riêng tặng Nhà báo Họa sĩ Đ.T

Em ngồi vẽ
sau khói thuốc
những khuôn mặt riêng
nắng xiên xiên nhà thơ
giắt vào áo những điệu dại khờ
giúi vào lòng trăm bến mộng mơ
những vần thơ vãi lên trời
giã như
hờ hững…

anh nhà báo vầng trán đa đoan
những hoang tàn đồi núi
lạch luồng đầu gió ngọn sông
khắc lên hố mắt không mang hình viên đạn
lõm lồi những suy tư.
Ôâi những mắt… đâm toạc thời gian
bộn bề thân phận…

Em ngồi nghe
sau mắt kiếng lúng liếng
anh họa sĩ , anh khôi hài
nụ cuời đầy trên môi
nụ tình tràn lên gối
nghe nỗi buồn kêu rêu sọt rác
Em ngồi uống
những khóe mắt điệụ cười
thế sự thăng trầm quân mạc vấn *
cà phê không đắng
rượu không cay
chỉ có tình là say?

*Thơ Cao Bá Quát : cuộc đời lên xuống anh hỏi làm gì ?

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

NỖI ĐAU DACAM/DIOXIN

Nỗi đau DACAM/DIOXIN tranh: Đức Thắng

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2008

ĐẶT TÍT NGẮN CÓ DỄ


Đặt tít cho báo điện tử hình như không dễ vì thực tế là có rất nhiều tít lòng thòng. Nhược điểm lớn nhất và dễ thấy của tít dài là trông quá xấu, kể cả khi ở dạng danh mục các tin lẫn khi nằm ở đầu bài với font chữ lớn.
Dưới đây là một số ví dụ về các tít trong tin tiếng Việt, thường thấy trên các website (không kể những cái tít dài... gấp rưỡi):
Nga sẵn sàng tham gia các chương trình nghiên cứu Sao Hỏa của Mỹ
Hội thảo Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam - Hội nhập và thách thức
Thông tin đối ngoại phải làm nổi bật hình ảnh và vị thế Việt Nam
Malaixia phản đối cáo buộc của Thái Lan về chứa chấp bọn khủng bố
Tuy nhiên, “xấu” chưa phải là nhược điểm lớn nhất của tít dài mà điều nguy hại đáng nói là người đọc rất khó chịu và “tức mắt”. Hãy tưởng tượng khi những đôi mắt đẹp của các cô nương phải dán vào màn hình để đọc liên tiếp các dòng lê thê. Đau mắt quá, dụi một cái, thế là lông mi giả rơi xuống bàn phím, mascara thì nhòe nhoẹt. Tức... cánh cổng nhà mình!Vậy báo điện tử của nước ngoài đặt tít như thế nào? Xin lấy ví dụ bằng các tít trên BBC:
Nato seals off Karadzic home town
Washington cuts off aid to Serbia
Donors pledge $8.2bn Afghan aid
Taiwan in line for new US radars
Uzbek siege ends in explosion

Nếu so sánh thì thấy tít dài nhất trong các ví dụ trên đây thì tin của chúng ta có 66 ký tự (kể cả khoảng cách giữa các chữ), còn của BBC là 35 ký tự. Đương nhiên tiếng Anh có nhiều lợi thế hơn ở chỗ từ ngắn, có thể dùng tính từ thay thế, không cần đầy đủ ngữ pháp, có thể viết tắt, và có thể nói hơi “hỗn” (Bush, Putin, Karadzic) nhưng điều đó không có nghĩa là tiếng Việt không viết ngắn được.Đây là sản phẩm sau khi cắt:
Nga sẵn sàng nghiên cứu Sao Hỏa cùng Mỹ (41/66)
Hội thảo đổi mới giáo dục đại học (35/69)
Thông tin đối ngoại phải làm nổi vị thế Việt Nam (50/66)
Malaixia phản đối Thái Lan cáo buộc chứa chấp khủng bố (56/67)
Tỷ lệ giảm cũng được đấy chứ! Khó có thể có 1 cái tít tiếng Việt cực ngắn mà lại diễn tả đủ nội dung bài, nhưng xem ra độ dài chừng 50 ký tự là mức hoàn toàn có thể đạt được. Thủ thuật cũng đơn giản chứ không có gì phức tạp. Bạn hãy thử theo từng bước tuần tự như sau:- Bỏ những từ thừa (tất nhiên rồi!);- Bỏ những từ “có cũng như không” như “của”, “về”, “được”,...- Bỏ “các”, “những” nếu có thể;- “Chặt” chữ trong từ nếu được: “thành lập”, “sang thăm”, “phòng chống”, “tham dự”,...- Tránh câu bị động;- Không nhất thiết lúc nào cũng phải nói là Việt Nam.Đương nhiên, phải nói luôn là cũng có những cái tít gần như “bất khả kháng”, đa phần là do chức danh quá dài, nhưng số này không nhiều. Hãy mạnh dạn cầm kéo và tự ép mình vào cái chuẩn “50 ký tự” xem sao./.

TẤM CHÂN TÌNH TRONG TRANH BÙI XUÂN PHÁI


Mặc dù xuất thân từ một nền hội họa sơ khai của Việt Nam, nhưng những thành tựu về nghệ thuật, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái xứng đáng đứng vào hàng danh họa của thế giới.
Danh họa tầm cỡ nào? Ngang hàng với Picasso hay Van Gogh?
Những câu hỏi này không có ý nghĩa, bởi vì trong hội họa, mỗi người là một cõi riêng. Hội họa không có biên giới. Hội họa là cuộc hành trình của người họa sĩ và những trăn trở của chính mình. Những tác phẩm nghệ thuật cao để lại có thể làm rung cảm người khác về cuộc trăn trở kiếm tìm đó. Phố hàng buồm
Rất may, thế kỷ 20 đầy biến loạn của Việt Nam đã có một Bùi Xuân Phái. Ông ghi lại không gian, quan hệ, hoàn cảnh, con người bằng sự rung cảm của riêng ông đối với những gì chung quanh. Cái riêng của ông đã một phần nào đó mang sẵn cái chung của mọi người. Và người đời cảm động đặt tên cho những bức tranh đường phố Hà Nội của ông là “Phố Phái”.
Lời nói, chữ viết không thể diễn tả hội họa một cách rốt ráo được, bởi vì bản thân hội họa là một ngôn ngữ riêng, không lời, với những đặc tính màu sắc, đường nét, hình thể không có trong những ngôn ngữ khác. Hiểu hội họa đòi hỏi một khả năng cảm nhận cao. Khả năng cảm nhận tinh tế đó chỉ có thể có được, sau khi trải qua một quá trình mở lòng rung động trước thế giới hội họa.
Đành rằng hội họa là vô cùng, và khó nói, nhưng nếu phải dùng ngôn ngữ chữ viết để nói về Bùi Xuân Phái, phải nói như thế nào?
Bùi Xuân Phái cũng như đa số họa sĩ, đi tìm “cái đẹp”. Nhưng là một cái đẹp chủ quan. Cái đẹp của người này, có thể là cái xấu đối với người khác. Cái đẹp có thể cụ thể, có thể trừu tượng. Có người thích cái đẹp của màu sắc. Có người thích đường nét, ánh sáng. Có người thích phong cảnh, có người thích nhân vật. Có người thích triết lý. Có người thích sự mông lung, bất định. Cho nên “cái đẹp” trong hội họa chỉ là một chữ vay mượn, giữ chỗ dùm cho một cái không thể định nghĩa được. Nhưng cái đẹp có thể cảm nhận sau khi tác phẩm đã hình thành.
Cái đẹp đối với Bùi Xuân Phái là sự chân thành trong việc diễn đạt tình cảm của mình với xã hội, con người và không gian quanh mình.
Tại sao những người khác vẽ một cách chi tiết, trong khi có vẻ như, Bùi Xuân Phái lại vẽ một cách ngô nghê. Có phải tại ông không thể vẽ “hay” như thế chăng? Không phải! Tại vì ông muốn loại bỏ hết những gì không quan trọng để chỉ giữ lại cốt lõi bản chất của sự rung động trong ông. Ông phải là một người rất tinh tế trong cảm nhận để có thể làm công việc loại bỏ đó.
Những bức tranh về phố Hà Nội của ông, người xem nhận ra ngay nét quen thuộc, không những chỉ trong cảnh vật, mà kể cả những điều trừu tượng hơn, như quan hệ giữa con người với nhau, tình cảm chòm xóm.
Đã có biết bao nhiêu tấm ảnh chụp cảnh phố phường Hà Nội, nhưng khi xem tranh Bùi Xuân Phái, chất Hà nội vẫn đậm đặc tiêu biểu hơn.
Làm sao ông có thể làm được điều đó bằng những đường nét và màu sắc trông rất đơn giản thế nhỉ?
Bí mật của nghệ thuật Bùi Xuân Phái không chỉ nằm ở đường nét và màu sắc, mà còn ở những mảnh hình thù, tạo nên một quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Những mái nhà đơn giản hình xéo, mảng tường hình vuông, cái lớn, cái nhỏ, lập đi, lập lại, trồi sụt như một giai điệu tạo ra một cảm giác hài hòa, lãng mạn và nương tựa lẫn nhau. Bầu trời bị cắt ngắn, con đường chật hẹp chứa những con người với những vật dụng quen thuộc dễ nhận diện, như chiếc nón, trụ điện đường, xe đạp, xe xích lô tạo ra cảm giác gần gũi thân quen. Chỉ vài màu sắc đơn giản nhưng đặt ở những vị trí đan kết lẫn nhau, vô hình gợi lên một quan hệ chặt chẽ. Cuối cùng, phong cảnh đường phố có sẵn từ trong ký ức của mọi người, làm nền để gắn chặt mọi thứ lại với nhau trong một rung động cộng hưởng cao độ.
Đường nét và màu sắc của Bùi Xuân Phái phảng phất truyền thống dân gian, cho nên lại càng tăng thêm tính chất đặc thù Việt Nam.
Cái đẹp của Bùi Xuân Phái là thế. Là sự chân thành trong diễn tả tình cảm của mình. Phố phường Hà Nội có thể cũ kỹ, chật chội, nghèo nàn, nhưng chứa đựng một vẻ đẹp chơn chất, ấm cúng tình người. Ông đã tìm ra một ngôn ngữ hội họa riêng để diễn tả nó.
Loạt tranh “Chèo” của Bùi Xuân Phái cũng cực kỳ linh động. Chỉ cần nhìn một bức tranh của hai diễn viên chèo đang diễn xuất trên sân khấu, mà người xem tranh có thể nghe được âm nhạc và tiếng hát chèo văng vẳng. Kỳ lạ chưa? Làm sao có thể làm được như thế nhỉ?
Dùng khả năng nắm bắt tinh tế bản chất của sự việc, ông có thể tái tạo nên một hình ảnh để gợi mở tình cảm và ký ức của người xem. Nghe được tiếng đàn, tiếng hát chèo là bởi vì ký ức âm thanh được họa sĩ mở cửa và gọi về.
Để diễn tả sự linh động trên sân khấu, ông dùng sự tương phản. Khi nhân vật nữ đưa tay lên trong tư thế động, hai cánh tay của nhân vật nam cứng nhắc, song song, nghiêm chỉnh đặt trên đùi. Sự tương phản này có tác dụng cường điệu hóa những cử động được diễn tả. Bức tranh vì thế trở nên rất chặt chẽ vì những quan hệ phụ thuộc hỗ tương lẫn nhau. Màu sắc và đường nét được đơn giản hóa, để những quan hệ này càng rõ rệt hơn nữa.
Mặc dầu người khác có thể phân tích một vài yếu tố làm nên sự thành công của bức tranh, nhưng không phải ai cũng có thể tái tạo lại sự thành công của Bùi Xuân Phái. Bằng chứng là đã có nhiều người bắt chước vẽ phố Hà Nội, nhưng không thành công.
Để vẽ được như thế, ngoài phần ý tưởng và kỹ thuật ra, còn tùy thuộc rất nhiều vào nhãn quan và khả năng phát hiện những quan hệ làm nên cái đẹp. Nhãn quan về cái đẹp của một cá nhân, như Bùi Xuân Phái, chỉ có thể là của riêng của Bùi Xuân Phái. Không những thế, bút pháp của Bùi Xuân Phái đã đạt tới mực độ thượng thừa. Chỉ một vài nét thôi cũng đủ làm cho người xem thổn thức rung động.
Có thể trước và sau Bùi Xuân Phái, không có ai có thể vẽ được như Bùi Xuân Phái. Và đó là một dấu hiệu của đỉnh cao nghệ thuật. Một cõi riêng. Mọi so sánh chỉ là vô ích.

theo vietweekly

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2008

TRIỂN LÃM TRANH GIAO LƯU




­Triển lãm tranh nghệ thuật Phú Yên- Chung Buk (Hàn Quốc) do Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Phú Yên tổ chức đã khai mạc tối 28/5 tại Nhà Văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa).
Triển lãm quy tụ gần 40 tác phẩm của các họa sĩ hai tỉnh; trong đó tỉnh Chung Buk tham dự 22 tác phẩm thể loại tranh dân gian, thư pháp- hai thể loại tranh đặc trưng của Hàn Quốc. Các họa sĩ Phú Yên tham gia trưng bày các bức tranh thể hiện vẻ đẹp, đất nước con người Phú Yên trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, giấy dán, khắc gỗ, thạch cao… Đây là một trong những hoạt động giao lưu văn hóa hữu nghị, để giới mỹ thuật hai tỉnh giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu về văn hóa của nhau.