Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2008

VỀ NGHỆ THUẬT VÀ SỰ CẢM THỤ CỦA CÔNG CHÚNG




picasso


Phải đánh thức người ta dậy. Phải đập nát cái cách họ định tính mọi sự. Phải sáng tạo những hình ảnh họ không chấp nhận.
Trích từ André Malraux, LA TÊTE D’OBSIDIENNE (Paris: Gallimard, 1974).


* Mỗi bức tranh, mỗi tiết tấu, mỗi màu sắc là một cuộc chiến đấu.Một cuộc chiến đấu chống lại chính mình, chống lại hội hoạ.
Trích từ Claude Thibault, PICASSO – GAUGUIN: CITATIONS ET MAXIMES SUR L’ART, L’OEUVRE, L’ARTISTE(Paris: Éditions Résidence, 1999).


* Tại sao ông vẽ theo một cách mà sự diễn tả của ông quá khó cho công chúng hiểu?Tôi vẽ cách này vì nó là kết quả của những ý tưởng của tôi. Tôi đã làm việc nhiều năm để đạt đến đó, và nếu tôi bước lùi một bước, thì điều đó chắc hẳn sẽ là một sự xúc phạm đến công chúng vì đó là kết quả của sự phản tỉnh của tôi. Tôi không thể dùng một phương pháp thông thường chỉ vì muốn hưởng sự thoả mãn khi được người ta hiểu.


Trích từ bài phỏng vấn của Jérôme Slecker, "Picasso explains", trong NEW MASSES (New York, 13 March 1945). In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập(Paris: Gallimard, 1998).


* Công chúng không phải lúc nào cũng hiểu nghệ thuật hiện đại. Đó là một điều có thật, nhưng đó là vì họ chưa từng được học bất kỳ thứ gì về hội hoạ. Họ được học đọc và viết, vẽ nét và hát ca, nhưng làm thế nào để xem một bức tranh thì họ chưa từng lưu tâm đến. Chắc hẳn là có một thứ thi ca của màu sắc, một đời sống của đường nét hay tiết tấu — những vần điệu bằng vật liệu tạo hình — nhưng điều này đã hoàn toàn không được lưu tâm đến.


Trích từ Anatole Jakovski, "Midis avec Picasso", trong ARTS DE FRANCE (Paris, Juin 1946).In lại trong Picasso, PROPOS SUR L’ART, Marie-Laure Bernadac & Androula Michael biên tập(Paris: Gallimard, 1998).


* Ai cũng muốn hiểu hội hoạ.Tại sao không cố gắng hiểu những bài ca của một con chim? Tại sao người ta yêu đêm tối, những chiếc hoa, mọi thứ chung quanh họ, mà không cố gắng hiểu chúng?Nhưng trong trường hợp của hội hoạ thì người ta lại phải hiểu.


Trích từ Christian Zervos, "Conversation avec Picasso", CAHIER D’ART 7/10 (Paris, 1935) 178.


* Tôi cảm thấy kinh khủng trước những người nói về cái đẹp. Cái đẹp là cái gì? Người ta phải nói về những vấn đề trong hội hoạ! Những bức tranh chỉ là sự nghiên cứu và thí nghiệm.


Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956).


Sự thành công thì nguy hiểm. Người ta bắt đầu sao chép chính mình, và sao chép chính mình thì nguy hiểm hơn sao chép những kẻ khác. Điều này dẫn đến sự triệt sản.


Trích từ Alexander Liberman, "Picasso", VOGUE (New York, November 1956).

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: HỌA SĨ CẦN QUÊN MÌNH…


Nghệ sĩ là những người kế thừa tinh thần hiệp sĩ, những người khai phá của thời đại trước hết về mặt tư tưởng - nghệ thuật. Mặc dầu những điều kiện tối thiểu của sáng tác nghệ thuật là nghệ sĩ phải độc lập về kinh tế cũng như tư tưởng, không phụ thuộc vào bất cứ định chế hay xu hướng thời thượng nào (được nhấn mạnh như bản lĩnh “lội ngược dòng”), thì có lẽ điều kiện tiếp theo phải là sự quên mình, dấn thân không ngừng trong cả quá trình sáng tạo để trở thành người khai sáng của một cộng đồng, của thời đại.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn: MỸ THUẬT ĐANG KHỦNG HOẢNG CÁI NHÌN


Cuộc khủng hoảng của mỹ thuật hiện nay chính là khủng hoảng từ cái nhìn, từ lối xúc cảm và tư tưởng, chứ không hẳn là về ngôn ngữ biểu hiện. Ví dụ thời kỳ trước, hiện thực chống Mỹ với rất nhiều tầng lớp, đồ sộ, rất đông các nghệ sĩ ra mặt trận, rất nhiều ký họa, nhưng tác phẩm lớn vẫn hầu như chưa có. Vấn đề nằm ở cảm thức của nghệ sĩ, anh có khai phóng được cảm thức sáng tạo của mình hay không.
Nghệ thuật có nhiều con đường. Không quan trọng anh dùng hình thức nào, chất liệu nào mà hãy bắt đầu từ tư tưởng.
Môi trường sống SOS- Tranh: Đức thắng

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2008

HOA HẬU VÀ HỘI HỌA







Chắc chắn là tiêu chuẩn về đẹp của ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu và tiêu chuẩn đẹp của họa sỹ khi chọn mẫu là không giống nhau. “Cô gái bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân hay “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn hay “Thiếu nữ bên hoa sen” của Nguyễn Sáng là những cô gái đẹp trong hội họa chứ ngoài đời thì họ đương nhiên không phải là hoa hậu.
Hội họa thế giới cũng vậy, từ kiệt tác “ Những cô gái ở Avignon” của P.Picasso đến “Người đàn bà đội mũ đen” của V.Dongen đến những người phụ nữ trong tác phẩm của Modigliany... Các họa sỹ đã đưa những người mẫu của mình thành hoa hậu của hội họa.
Chả biết có hoa hậu nào mời hoạ sỹ vẽ mình chưa nhưng chắc chắn là không có họa sỹ nào mời hoa hậu làm mẫu cả. Các cô gái trên sàn catwalk và các cô gái để làm mẫu cho họa sỹ là khác nhau. Một khuôn mặt đẹp không giống với một khuôn mặt đẹp để vẽ. Không phải là hoa hậu và người mẫu đã đẹp rồi thì không cần đến nghệ thuật nữa, không còn đất dụng võ cho hội họa nữa. Nghệ thuật là sáng tạo, dù họ có đẹp nghiêng nước nghiêng thành đi chăng nữa thì với hội họa, họ cũng chỉ là đối tượng, là cái cớ. Giả sử có họa sỹ nào mời hoa hậu, á hậu về làm mẫu thì anh ta vẫn phải sáng tạo, phải sáng tạo lại vẻ đẹp đó một lần nữa.
Mục đích cuối cùng là một bức tranh đẹp chứ không phải là một bức tranh xấu vẽ một cô gái đẹp. Ví dụ người biết xem tranh sẽ chọn bức tranh đẹp dù là vẽ Thị Nở chứ kiên quyết không chọn bức tranh xấu dù đó là bức vẽ hoa hậu Nguyễn Thị A nào đó. Với nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, đề tài không làm nên tác phẩm, cách xử lý đề tài thế nào, cách vẽ thế nào mới là quan trọng. Cho nên hoa hậu với hội họa cũng chỉ là đề tài như cái cây, cái nhà v.v... Tất nhiên họa sỹ nào mà chả mơ ước có cô bạn gái đẹp, nếu cô ta là hoa hậu thì càng tốt và biết đâu đó nếu cô ấy tự nguyện ngồi mẫu cho mấy buổi để vẽ thì có khi lại xúc động quá, chân tay run rẩy chưa chắc đã cầm nổi bút cũng nên.

Lê Thiết Cương

Sonia Kolesnikov-Jessop: HỌA SĨ VIỆT NAM THÍCH VẼ NHƯ "CHUPẢNH"



Ở Việt Nam, hội họa đã từng gắn liền với nghề thủ công, một nghề chưa cho ra được những hình ảnh “thật”. Năm 1925, người Pháp thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội là sự kiện đã góp phần mở ra cánh cửa thúc đẩy nền hội họa Việt Nam phát triển nhanh chóng. Nền hội họa Việt Nam đã tìm được tiếng nói riêng bằng cách đi sâu vào truyền thống tranh sơn mài và tranh lụa.
Trong những năm 1950, người Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, ai cũng ý thức được sự cấp bách phải xóa bỏ mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân để xây dựng một chủ nghĩa hiện thực mới, tương tự như nền hiện thực XHCN ở Liên Xô cũ.
Năm 1976, khi Đảng Cộng sản lên lãnh đạo đất nước, hội họa trở thành một trong những công cụ tuyên truyền quan trọng thể hiện lòng tự hào dân tộc. Những họa sĩ muốn triển lãm các tác phẩm của mình phải là thành viên của Hội Mỹ thuật. Họ được khuyến khích vẽ hình tượng của những người công nhân và các nhà lãnh đạo tài ba của đất nước. Tranh khoả thân được xem là đồi bại và tranh tự bộc lộ cảm xúc không được hoan nghênh.
"Thời kì Đổi mới, hội họa Việt Nam sau những năm 1990" là chủ đề của cuộc triển lãm tại bảo tàng Mỹ thuật Singapore để phản ảnh tình hình hội họa Việt Nam sau khi mở cửa nền kinh tế thị trường với các chính sách đổi mới.
Hình ảnh là tâm điểm của nghệ thuật một thời. - Ảnh: InternetÔng Joyce Fan nói: “Những họa sĩ thời kì Đổi mới được quyền tự do hơn trong việc thể hiện tài năng của mình. Họ có cơ hội trải nghiệm thực tế”.
Những hình ảnh thường gắn liền với mỹ thuật Việt Nam là các bức họa hiện thực trữ tình về những người phụ nữ đội nón lá, mặc áo dài thướt tha và những con đường cổ kính của phố cổ Hà Nội. Mặc dù những bức họa này thường bày rất nhiều tại phòng trưng bày ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhưng chúng không hoàn toàn là hiện thân của mỹ thuật ngày nay.
Ông nói: “Rất nhiều người thường gắn hội họa Việt Nam với hình ảnh người phụ nữ trong tà áo dài duyên dáng. Nhưng qua cuộc triển lãm này tôi muốn cho mọi người thấy sự thay đổi trong con mắt các họa sĩ trong hơn 18 năm qua”.
Mốc thời gian của cuộc triển lãm là năm 1990, năm đánh dấu sự mở đầu của triển lãm nghệ thuật mang tính thương mại tại Hà Nội. Ông Fan đã chỉ ra rằng cuộc triển lãm là cơ hội liên kết các tác phẩm của các họa sĩ thuộc ba thế hệ: Những người sinh ra trong những năm 1940 đã trải qua cuộc chiến tranh khi trưởng thành, những người sinh ra trong những năm 1950, 1960, lớn lên trong chiến tranh, và những người sinh ra sau những năm 1970 chưa từng chứng kiến chiến tranh.
Không giống như Trung Quốc, hội họa Việt Nam đã không bị ảnh hưởng bởi chính trị, các họa sĩ Việt Nam đã tiếp cận sâu hơn rất nhiều chủ đề và cũng có quyền tự do sáng tác của mình.
Nguyễn Quân, một họa sĩ đồng thời là một nhà nghiên cứu lịch sử hội họa có tác phẩm “Tự họa dưới trăng” (1992) được trưng bày tại cuộc triển lãm đã thốt lên những lời hết sức chua chát: “Tôi đã quá mệt mỏi về nền mỹ thuật mang tính chính trị. Các họa sĩ đã bỏ qua phong cách sáng tác ca ngợi chủ nghĩa tập thể và các chủ đề truyền thống về các nhà lãnh đạo, những người nông dân và người lính...”.
Ông Fan nói: “Thời kì sau Đổi mới đã trở thành thời kỳ tự do bộc lộ cảm xúc nên có rất nhiều họa sĩ đi theo thể loại tự họa vì họ tìm thấy được những điều tuyệt diệu trong cách tự thể hiện cảm xúc. Tự họa cũng cho phép họ được nói lên sự thay đổi quan điểm, nỗi khát khao phải giữ gìn quá khứ, một thời hào hùng đang dần bị lãng quên”.
Trường phái trừu tượng là một mặt mạnh khác của hội họa trong những năm đầu hậu Đổi mới vì phong cách nghệ thuật này cũng được xem là một cách tự bộc lộ cảm xúc tuyệt vời. Một số bức tranh trưng bày tại cuộc triển lãm cho thấy các họa sĩ Việt Nam như Bùi Hữu Hùng và Lê Hồng Thái đã tiếp thu và thích ứng với thể loại vẽ tranh trừu tượng và thử nghiệm vẽ sơn mài trên gỗ như thế nào.
Một trong những đề tài chủ đạo của cuộc triển lãm là “hồi ức”, những cái nhìn khác nhau của ba thế hệ họa sĩ về những thời kỳ khắc nghiệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Những nghệ sĩ sinh ra trong chiến tranh thường phải sơ tán về các miền quê, họ thường ghi lại từng khoảnh khắc ở tại ngôi làng trên các bức tranh – điển hình như bức tranh trừu tượng “Dưới mặt nước” của danh họa Trần Lương (1994). Các họa sĩ sinh ra trước chiến tranh, trưởng thành trong chiến tranh lại thường hồi tưởng lại những sự gian khổ, khó khăn và nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Nhưng như ông Fan nói, các họa sĩ vẽ những hình ảnh này phải có đầu óc nhạy bén và vô cùng tinh tế, ví dụ như tác phẩm “Trái tim người mẹ” của họa sĩ Đỗ Sơn (1994), miêu tả người mẹ đang cầu nguyện cho những người con yêu dấu đã chết trong các cuộc chiến tranh.
“Đây là bức tranh chứa đầy niềm thương yêu và sự chua xót vì hình ảnh của những người con yêu dấu ấy và cách họ ăn mặc, đã thể hiện họ là những người lính của hai cuộc chiến tranh khác nhau. Trong rất nhiều tác phẩm tôi nhìn thấy có thứ gì đó đầy thi vị và trữ tình”, ông Fan nói.
“Cuộc hành trình khám phá quê hương cũng là một đề tài chủ đạo khác. Cũng có nhiều bức tranh về cảnh đẹp của những con đường cổ kính ở Hà Nội, và đề tài này cũng tạo cơ hội cho các họa sĩ phản ánh những thay đổi trong xã hội và kinh tế”.
Trong công trình “Hóa thạch sống” của tác giả Vương Văn Thạo (2006), ông đã tái hiện lại những ngôi nhà cổ tiêu biểu của phổ cổ Hà Nội bằng gốm và sau đó bọc vào một lớp nhựa trong suốt. 36 ngôi nhà với các cây cột kim loại cũng được bọc nhựa có gắn tên phố cùng nhiều loa phóng thanh mà những năm 1980 , các thông báo công cộng được phát đi suốt cả ngày.
Công trình "Hóa thạch sống" của Vương Văn Thạo. - Ảnh: InternetMặc dù ngày nay họa sĩ Việt Nam được tự do hơn nhưng vẫn không trọn vẹn, điều này có thể lý giải tại sao hầu hết các tác phẩm không liên quan đến chính trị.
Tác giả của một vài cuốn sách về mỹ thuật Việt Nam và là một giáo sư Học viện mỹ thuật ở Chicago, bà Nora Taylor nói: “Mọi người luôn so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng tôi nghĩ điều này không công bằng. Mọi người nên nhìn vào mối quan hệ của người Việt Nam so với người Trung Quốc về công tác chính trị. Người Việt Nam không có một cuộc cách mạng văn hóa mạnh mẽ.”.
Tuy nhiên, một vài tác phẩm hội họa được trưng bày tại triển lãm thời Hậu đổi mới này đã cho thấy một số họa sĩ Việt Nam đang cố gắng thể hiện, bình luận về chính trị xã hội. Bức tranh sơn dầu xám “Kẻ độc tài” của họa sĩ Lê Quang Hà (2003) vẽ một người đàn ông với tám cánh tay đang duỗi thẳng nhằm vào người xem với vẻ đe dọa. Tác phẩm của ông thường là lời bình luận về sự thối nát và tham nhũng trong xã hội.
Bà Taylor nói tiếp “Rất nhiều họa sĩ đang góp phần tạo nên các tác phẩm mang tính chất chính trị, nhưng họ giữ kín, chủ yếu là họ chỉ muốn thể hiện nghệ thuật. Mọi thứ sẽ thay đổi trong vài năm tới. Cuộc triển lãm cho người xem một cái nhìn khái quát hơn về những việc xảy ra sau thời kì Đổi mới chứ nó không thực sự là sự phản ánh những việc đang diễn ra hiện tại”.

Tác giả: SoniaKolesnikov-Jessop